Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật là một trong những công nghệ quan trọng của ngành Công nghệ Sinh học, nền tảng nghiên cứu và áp dụng các công nghệ khác trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học thực vật.

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật hay nuôi cấy mô thực vật đã xuất hiện tại Việt Nam từ 1960. Là một trong những công nghệ quan trọng của ngành Công nghệ Sinh học, nền tảng nghiên cứu và áp dụng các công nghệ khác trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học thực vật. Trên môi trường dinh dưỡng thích hợp các tế bào thực vật có thể biệt hóa hình thành mô, cơ quan hay cơ thể hoàn chỉnh.

Công nghệ là “chiếc chìa khóa làm giàu” của các nhà Nông Nghiệp; sản xuất cây giống với số lượng cao, chất lượng đồng đều không phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh. Đồng thời, công nghệ còn có khả năng bảo tồn các giống có giá trị không chỉ trong vấn đề lương thực, nông nghiệp đô thị như phong lan, thanh long, ớt, chuối, khoai lang, dâu tây…mà còn trong cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu sản xuất nguồn dược liệu có giá trị cao như: sâm, đông trùng hạ thảo, bảy lá một hoa, sáo tam phân, bình vôi, giảo cổ lam…. Các sản phẩm có chứa các chất thứ cấp với hoạt tính ổn định, ít gây phản ứng phụ. Hàm lượng có thể điều khiển cao gấp 2 - 3 lần so với phương pháp truyền thống. Rút ngắn thời gian chăm sóc ngoài tự nhiên là yếu tố thiết yếu trong sản xuất.

Quy trình sản xuất một sản phẩm trong công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật

GIỚI THIỆU MÔN HỌC

Môn học này trang bị những kiến thức về tế bào thực vật, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật trong ống nghiệm; Sự phát sinh hình thái của tế bào, mô thực vật nuôi cấy trong điều kiện in vitro; Môi trường và điều kiện nuôi cấy mô, tế bào thực vật; Các kỹ thuật chính của công nghệ nuôi cấy mô, tế bào thực vật.

MỤC TIÊU MÔN HỌC

Cung cấp cho sinh viên cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu cơ bản của công nghệ tế bào thực vật là lĩnh vực hiện đang được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông nghiệp.

Giúp sinh viên có được những kỹ năng cần thiết để có thể ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của công nghệ sinh học vào công tác bảo tồn và nhân giống cây trồng.
 

KIẾN THỨC LĨNH HỘI

Cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi cấy mô tế bào thực vật, hiểu bản chất và thành phần của các chất điều hòa sinh trưởng trong nuôi cấy mô thực vật

Áp dụng các kỹ thuật nhân giống truyền thống, hiểu rõ các phương pháp nhân giống NCM TBTV

Tuyển chọn và cải tạo các giống cây trồng bằng NCM TBTV

Hiểu kiến thức về công nghệ gen thực vật, bảo tồn nguồn gen in vitro

Giải thích các vấn đề gặp phải trong nuôi cấy và phương pháp xử lý thực tế

Hiểu nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc cây trồng ngoàì vườn ươm, phương pháp thuần hóa cây

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Phần thực hành: xây dựng kế hoạch thực tập thực tế, các thao tác cơ bản trong NCM TB, nắm vững các thao tác thực hành và biết cách tính toán, dự trù nguyên liệu, dụng cụ, hóa chất để nhân giống in vitro. Thực hành chăm sóc cây trồng ngoài vườn ươm.

Có cơ hội tiếp cận thu nhận kinh nghiệm thực tế làm việc tại các viện các trung tâm nghiên cứu, các công ty hoạt động trong lĩnh vực NCM  như:

    Viện sinh học Nông nghiệp trường Nguyễn Tất Thành
    Trung tâm CNSH thành phố Hồ Chí Minh
    Khu NN CNC Củ Chi
    Viện sinh học nhiệt đới
    Công ty Rừng Hoa Đà Lạt và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật

Tiến Vinh